Cầm quyền Trịnh_Cối

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, các sử quan gọi Trịnh Cối là Thế tử, ông xuất hiện trong bộ sử này vào năm 1563, 1565 với tư cách là người kế thừa sự nghiệp của Thượng tướng Thái quốc công Trịnh Kiểm, đi theo cha cùng em là Trịnh Tùng mang quân đi đánh lộ Sơn Nam.[2] Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, vua Lê Anh Tông trao binh quyền cho Trịnh Cối, lúc ấy có tước là Tuấn Đức hầu. Bây giờ, Trịnh Cối buông thả mình trong tửu sắc, ngày càng rông rỡ kiêu ngạo, không thương gì đến quân lính. Các tướng dưới quyền đều có ý lìa bỏ, ai cũng nghĩ chuyện sinh biến, mầm họa hình thành.[3]

Các tướng Nam triều là Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách cùng bọn Lương quận công, Phổ quận công và Lai quận công Phan Công Tích đang đêm đem con em và binh lính tới chỗ Phúc Lương hầu Trịnh Tùng bàn định kế sách, ép Tùng phải hành động.Trịnh Tùng bất đắc dĩ phải cùng với Cập Đệ, Vĩnh Thiệu thu thập binh tướng, đang đêm chạy về hành tại Yên Trường. Hôm sau, đến dinh Kim Thành, ép Nghĩa quận công Đặng Huấn cùng đi đến cửa khuyết vào bái yết vua Lê. Họ cùng tâu với nhà vua rằng: Anh thần là Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn, lại đêm ngày mưu đoạt binh tượng và ấn báu của thần, nên bọn thần phải nửa đêm trốn vào cửa khuyết, đau xót báo tin, xin thánh thượng thương tình thu nạp!". Vua nói: "Khi thượng phụ còn sống không đến nỗi thế, làm thế nào bây giờ?" Phúc Lương hầu cùng Cập Đệ, Vĩnh Thiệu, Bách mật tâu vua dời hành tại vào trong cửa ải Vạn Lai, chia quân chiếm giữ cửa luỹ để phòng bị quân bên ngoài.[3]

Hôm sau, Trịnh Cối tự mình đốc suất các tướng Phúc quận công Lại Thế Mỹ, An quận công Lại Thế Khanh, Lâm quận công Nguyễn Sư Doãn, Thạch quận công Vương Trân, Vị quận công Lê Khắc Thận, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà hầu Phạm Văn Khoái, Hoành quận công (không rõ tên), và hơn 1 vạn quân, đuổi đến ngoài cửa quan, đóng dinh ở đấy. Trịnh Cối đóng quân vài ngày, các tướng ở trong cửa ải cũng đóng cửa giữ không ra. Hai bên sai người đưa thư qua lại, bên này nói xấu bên kia, lời lẽ rất ngạo mạn. Vua Lê sai sứ ra chiêu dụ các tướng ở ngoài cửa quan, bảo họ giảng hòa. Lại Thế Khanh nói: "Không ngờ ngày nay bọn chúng ta thành ra ở dưới người khác", rồi không chịu hòa, nói là đem quân đánh vào cửa khuyết, rồi bày chiến trận. Lại Thế Mỹ dùng giáo trỏ vào cửa quan: "Bao giờ bắt được người ở trong cửa quan thì việc mới hòa được". Vua Lê biết ý không hòa giải được, bèn sai các tướng đốc quân chống lại, suốt ngày đêm không nghỉ.[4]

Trịnh Cối thấy đánh mãi không được, trong lòng ngần ngại, tự lui quân về dinh Biện Thượng, hội các tướng tá dưới quyền và nói: "Trong cửa quan có quân, ngoài cõi có giặc, ta ở quãng giữa, nếu có tai biến khẩn cấp thì khó mà chống đỡ được". Bèn hạ lệnh chia quân chiếm giữ những nơi xung yếu, Vũ Sư Thước thì giữ cửa biển Linh Trường và Hội Triều, Lại Thế Khanh giữ cửa biển Chi Long và Thần Phù, Nguyễn Sư Doãn giữ cửa biển Du Xuyên và Ngọc Giáp đề phòng quân Mạc vào đánh. Lại Thế Mỹ, Lê Khắc Thân, Nguyễn Hữu Liêu, Phạm Văn Khoái chỉnh đốn binh tượng, thuyền bè, khí giới, ngày đêm đóng đồn dọc bờ sông đề phòng các tướng trong cửa quan xông ra đánh. Lại sai Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh trấn thủ Nghệ An để vỗ yên dân miền ấy.[5]